Trầm cảm – Hiểu đúng để vượt qua

Trầm cảm không phải là sự yếu đuối, mà là một rối loạn cần được hiểu đúng. Cùng khám phá cách vượt qua nó để sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.

Rối loạn trầm cảm ngày càng trở nên phổ biến trên và được nghiên cứu trên toàn thế giới. Theo WHO (2023), ước tính đến năm 2030, trầm cảm sẽ là nguyên nhân lớn nhất gây ra tình trạng khuyết tật cho y tế toàn cầu, ước tính có khoảng 3,8% dân số bị trầm cảm, bao gồm 5% người trưởng thành (4% ở nam và 6% ở nữ) và 5,7% người lớn trên 60 tuổi. Khoảng 280 triệu người trên thế giới bị trầm cảm. Rối loạn trầm cảm có thể phổ biến ở mọi vùng dân cư, lứa tuổi, giới tính, tần suất trầm cảm thay đổi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nghề nghiệp, trình độ, mức số, văn hóa, giới tính và lứa tuổi. Trầm cảm là một thách thức sức khỏe toàn cầu và ảnh hưởng đến hơn 300 triệu người trên toàn thế giới vào năm 2015 (Friedrich, 2017).
Theo Bệnh viện tâm thần trung ương Việt Nam (2023), kết quả điều tra dịch tễ học một số bệnh tâm thần thường gặp của chương trình Quốc gia chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng, tỷ lệ trầm cảm chiếm khoảng 3,8% dân số; rối loạn trầm cảm gặp ở nữ nhiều hơn nam giới, tỷ lệ nữ/nam là khoảng 2/1; lứa tuổi thường gặp rối loạn trầm cảm với tỷ lệ cao hơn là từ 25 – 44 tuổi.
Rối loạn trầm cảm rất phổ biến và có thể gây ra những khó khăn trong mọi mặt của cuộc sống, kể cả trong cộng đồng và ở nhà, nơi làm việc và trường học. Vì vậy, việc biết được các biểu hiện triệu chứng đặc trưng của trầm cảm giúp bạn hoặc người thân của bạn có thể được phát hiện sớm và hỗ trợ kịp thời.

Một số thông tin chung về trầm cảm

Theo Cẩm nang Thống kê và Chẩn đoán rối loạn Tâm thần, phiên bản 5 (DSM-V): Trầm cảm hay còn gọi là rối loạn trầm cảm, là một loại rối loạn tâm trạng nghiêm trọng và phổ biến. Người bị trầm cảm trải qua cảm giác buồn bã, tuyệt vọng dai dẳng và mất hứng thú với các hoạt động mà họ từng yêu thích. Bên cạnh các vấn đề về cảm xúc do trầm cảm gây ra, các cá nhân cũng có thể xuất hiện các triệu chứng thể chất như đau mãn tính hoặc các vấn đề về tiêu hóa. Những triệu chứng phải xuất hiện ít nhất hai tuần.
Giai đoạn trầm cảm có thể được phân loại thành nhẹ, trung bình hoặc nặng tùy thuộc vào số lượng và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cũng như tác động lên hoạt động chức năng của cá nhân.
Rối loạn trầm cảm được chia ra làm nhiều tiểu loại, một số loại phổ biến như: Rối loạn trầm cảm chủ yếu, trầm cảm thứ đẳng, trầm cảm sau sinh, trầm cảm do thời tiết, trầm cảm trẻ em, trầm cảm trường diễn,…

Những ai dễ rơi vào trạng thái trầm cảm

Ai cũng có thể rơi trạng thái trầm cảm trong bất kỳ giai đoạn nào của cuộc đời. Tuy nhiên, những người từng bị lạm dụng, có mất mát nghiêm trọng hoặc các sự kiện căng thẳng khác có nhiều khả năng bị trầm cảm hơn. Phụ nữ có nhiều khả năng bị trầm cảm hơn nam giới, đặc biệt là phụ nữ sau sinh. Hoặc những người đã trải qua những sự kiện bất lợi trong cuộc sống (thất nghiệp, mất người thân, chấn thương tâm lý, xâm hại, bạo lực,…) có nhiều khả năng mắc trầm cảm hơn. Trầm cảm có thể dẫn đến căng thẳng và rối loạn chức năng nhiều hơn, đồng thời làm tình hình cuộc sống của người bị ảnh hưởng và bản thân chứng trầm cảm trở nên tồi tệ hơn.

Dấu hiệu nhận biết một ai đó có thể bị rối loạn trầm cảm

Rối loạn trầm cảm có đặc trưng cơ bản như khí sắc trầm, sự buồn chán, mất hứng thú hoặc niềm vui, cảm giác mệt mỏi, kém tập trung, có xu hướng thu mình không muốn giao tiếp với mọi người. Các giai đoạn trầm cảm khác nhau sẽ có những biến động về trạng thái cảm xúc khác nhau.

Dấu hiệu nhận biết rối loạn trầm cảm

Dấu hiệu nhận biết rối loạn trầm cảm

Các biểu hiện phổ biến của giai đoạn trầm cảm theo DSM – V và cuốn Tâm bệnh học (Phạm Toàn, 2020) bao gồm:

  1. Khi sắc trầm buồn (buồn rầu, trống vắng, không mục đích, vô vọng, khóc nhiều,…) suốt ngày do cá nhân tự nhận biết hoặc bởi người khác quan sát được.
  2. Giảm sút hoặc mất hẳn sự quan tâm hứng thú với mọi sự việc xảy ra hàng ngày, hầu như mỗi ngày (được chỉ ra bởi cá nhân hoặc sự quan sát từ người khác).
  3. Sút cân hoặc tăng cân rõ rệt (trên 5% trong một tháng) mà không phải do ăn kiêng, hoặc đột nhiên giảm thiểu hay gia tăng ăn uống quá độ hàng ngày.
  4. Khó ngủ hoặc ngủ li bì suốt ngày.
  5. Chức năng tâm thần vận động quá nhạy bén hoặc quá ù lì đỡ đẫn (do cá nhân tự chỉ ra hoặc quan sát bởi người khác).
  6. Cảm thấy mệt mỏi hay mất năng lượng hầu như hàng ngày.
  7. Cảm giác bản thân tệ hại, vô dụng hoặc có lỗi quá mức (theo kiểu loạn thần) hầu như mỗi ngày (không phải vì cho rằng thật sự mình đã có tội lỗi gì hay cảm thấy có tội vì đang bị bênh.
  8. Giảm sút khả năng suy nghĩ, tập trung, chú ý, hoặc khó đưa ra quyết định hầu như hàng ngày (cá nhận tự nhận thấy hoặc người khác nhận thấy).
  9. Ý nghĩ/ý tưởng về cái chết (không chỉ là sợ chết), ý định tự sát tái diễn không có một kế hoạch trước, một hành vi tự sát hoặc một kế hoạch cụ thể để tự sát thành công.

Một người trong giai đoạn trầm cảm có thể có từ 5 hoặc nhiều hơn các triệu chứng trên kéo dài khoảng 2 tuần. Ngoài ra, các triệu chứng trên gây ra tình trạng buồn khổ và suy giảm nghiêm trọng trong các lĩnh vực hoạt động xã hội, công việc, hoặc các lĩnh vực quan trọng khác. Tình trạng này không có nguyên nhân về mặt sinh lý hoặc một chất hoặc do tình trạng bệnh lý. Sự xuất hiện của giai đoạn trầm cảm nặng không được giải thích rõ hơn bởi rối loạn dạng phân liệt, tâm thần phân liệt, rối loạn hoang tưởng, hoặc phổ tâm thần phân liệt cụ thể và không xác định và các rối loạn tâm thần khác, hoặc chưa bao giờ có một giai đoạn hưng cảm hoặc cận hưng cảm.

Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm

Rối loạn trầm cảm do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Mỗi một quan điểm khác nhau dựa trên các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống để giải thích. Hiện chưa có quan điểm nào được cho là chuẩn xác nhất, nhưng các khía cạnh chủ yếu ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và có thể là nguyên nhân gây ra trầm cảm là là các yếu tố xã hội, tâm lý và sinh học.

Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm

Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm

Dưới đây là một số nguyên nhân được đề cập nhiều nhất trong các chương trình giảng dạy, sách, các nghiên cứu:

  • Yếu tố bẩm sinh hay di truyền
  • Yếu tố sinh học (liên quan đến chất dẫn truyền thần kinh hoặc hormone)
  • Các yếu tố văn hóa – xã hội
  • Các yếu tố tâm lý
  • Một số các nguyên nhân khác như:
    • Trải qua các biến cố hoặc có sự thay đổi lớn trong cuộc sống: mất người thân, tai nạn, bệnh tật, ly hôn, thất nghiệp, nghỉ hưu, sinh con, thiên tai, chiến tranh, đại dịch, bỏ rơi,…
    • Mâu thuẫn trong các mối quan: gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, xã hội,…
    • Từng bị lạm dụng, bạo hành hoặc trải qua sang chấn.
    • Sử dụng chất kích thích.
    • Các vấn đề khác như bệnh mãn tính, điều trị thuốc có tác dụng phụ gây trầm cảm,….
    • Chấn thương sọ não (TBI)

Làm thế nào để biết bản thân hay ai đó có bị rối loạn trầm cảm hay không?

Việc nhận ra bản thân hoặc ai đó có những dấu hiệu trên là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên để biết bản thân hay ai đó có đang rơi vào giai đoạn trầm cảm, bạn cần tới các bệnh viên hoặc trung tâm tham vấn trị liệu tâm lý, nơi có các nhà tâm lý được đào tạo chuyên nghiệp (chính quy) để thăm khám và nhận tư vấn. Nếu chỉ dựa vào các thông tin trên mạng hoặc được tư vấn bởi những người chưa được đào tạo chuyên nghiệp có thể dẫn đến nhiều hậu quả khó lường.
Khi tới bệnh viện hoặc các trung tâm tham vấn trị liệu tâm lý, bạn sẽ được đánh giá tâm lý bởi các bác sĩ tâm thần hoặc nhà tâm lý thông qua các thang đo chuyên biệt, hỏi chuyện và quan sát lâm sàng để biết thêm thông tin về cảm xúc, suy nghĩ, hành vi, sức khỏe của bạn trong thời gian gần đây. Ngoài ra, các bác sĩ tâm thần hoặc nhà tâm lý có thể hỏi thêm về lịch sử bệnh của bạn và gia đình để có thêm căn cứ về tình hình thực tế của bạn. Sau đó, bác sĩ tâm thần hoặc nhà tâm lý sẽ gợi ý các phương án hỗ trợ tiếp theo phù hợp để cải thiện tình hình sức khỏe tinh thần.

Làm thế nào để vượt qua trầm cảm

Có nhiều cách để điều trị rối loạn trầm cảm như hóa dược, trị liệu tâm lý hoặc kết hợp cả hai. Tùy vào tình trạng thực tế và nguồn lực của bạn, các bác sĩ hoặc nhà tâm lý sẽ cùng bạn đưa ra lộ trình trị liệu phù hợp.

Các liệu pháp hỗ trợ vượt qua trầm cảm

Các liệu pháp hỗ trợ vượt qua trầm cảm

Một số liệu pháp tâm lý được cho là có hiệu quả đối với người có rối loạn trầm cảm như sau:

  • Liệu pháp kích hoạt hành vi: Mục đích của loại trị liệu này là đảo ngược vòng xoáy đi xuống của trầm cảm bằng cách khuyến khích bạn tìm kiếm những trải nghiệm và hoạt động mang lại cho bạn niềm vui.
  • Liệu pháp nhận thức hành vi: Sự kết hợp giữa các biện pháp can thiệp hành vi và nhận thức được hướng dẫn bởi các nguyên tắc khoa học ứng dụng. Các biện pháp can thiệp hành vi nhằm mục đích giảm các hành vi không thích ứng và tăng cường các hành vi thích ứng bằng cách sửa đổi các tiền đề và hậu quả của chúng bằng cách học tập thực hành hành vi. Các biện pháp can thiệp nhận thức nhằm sửa đổi những nhận thức, sự tự nhận thức hoặc niềm tin sai lệch. Điểm nổi bật của CBT là chiến lược can thiệp tâm trung vào vấn đề bắt nguồn từ lý thuyết học tập cũng như các nguyên tắc lý thuyết nhận thức (Otte, 2011).
  • Liệu pháp liên cá nhân: Trị liệu có giới hạn thời gian và có cấu trúc chặt chẽ này tập trung vào việc xác định và cải thiện các mối quan hệ liên cá nhân có vấn đề và các hoàn cảnh liên quan trực tiếp đến tâm trạng trầm cảm hiện tại của cá nhân.
  • Liệu pháp tập trung vào giải pháp: Liệu pháp này là một hình thức CBT dạy các kỹ năng chịu trách nhiệm giúp bạn giải quyết các vấn đề và căng thẳng trong cuộc sống thực , lớn và nhỏ, góp phần gây ra trầm cảm.
  • Liệu pháp Tự quản lý hoặc Tự kiểm soát: Loại liệu pháp hành vi này rèn luyện bạn cách giảm bớt những phản ứng tiêu cực trước các sự kiện và giảm bớt những hành vi và suy nghĩ tự trừng phạt bản thân.

Làm sao để phòng ngừa rối loạn trầm cảm

Dù đã, đang hay chưa từng trải qua giai đoạn trầm cảm, chúng ta đều có thể có nguy cơ bị rối loạn trầm cảm, do đó, việc phòng ngừa là rất quan trọng. Trong đó, việc tự chăm sóc bản thân có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các triệu chứng trầm cảm và nâng cao sức khỏe tổng thể.

Phòng ngừa rối loạn trầm cảm

Phòng ngừa rối loạn trầm cảm

Bạn có thể làm gì để phòng ngừa rối loạn trầm cảm:

  • Lập danh sách những hoạt động mà bạn yêu thích và cố gắng duy trì thực hiện chúng khi có cảm giác buồn chán.
  • Duy trì kết nối thực với gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp,…
  • Chú ý duy trì các hoạt động hàng ngày: thói quen ăn, ngủ đều đặn, phù hợp, nghỉ ngơi khi cần thiết.
  • Tăng cường các hoạt động rèn luyện thể chất như thể dục, hoặc làm các công việc phải vận động, đi lại,…
  • Tham gia các hoạt động kết nối cộng đồng, nhóm mà bạn thích.
  • Tránh hoặc giảm tối đa sử dụng các chất có cồn và chất kích thích.
  • Chia sẻ cảm xúc, câu chuyện của bạn với người mà bạn cảm thấy tin tưởng và an toàn.
  • Tìm kiếm sự giúp đỡ từ một nhà tâm lý được đào tạo chuyên môn để đồng hành cùng bạn.
  • Nếu bạn có ý nghĩ tự tử: Hãy nhớ rằng bạn không đơn độc và có nhiều người đã trải qua những gì bạn đang trải qua, hãy tìm sự giúp đỡ từ người thân, bạn bè, một nhóm hỗ trợ hoặc một nhà tâm lý được đào tạo về chuyên môn. Hoặc bạn có thể liên hệ Tâm lý CHY để được hướng dẫn sử dụng kế hoạch an toàn cá nhân.

Rối loạn trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần phổ thông đối với con người. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn trầm cảm, trong đó phổ biến là nguyên nhân bẩm sinh và môi trường ngoại cảnh. Môi trường ngoại cảnh đóng vai trò rất quan trọng trong việc khởi phát các triệu chứng. Việc nhận biết các dấu hiệu và thăm khám sớm giúp tiết kiệm thời gian cũng như chi phí trị liệu cho bạn.

Rối loạn trầm cảm không phân biệt quốc gia, cộng đồng, chủng tộc, nam nữ, già trẻ, giàu nghèo, địa vị và giai tầng xã hội. Nữ hoàng Victoria của Anh quốc, tổng thống Abraham Lincoln của Hoa kỳ đã từng bị những giai đoạn trầm cảm tái đi tái lại. Những nhân vật tài danh như nhà soạn nhạc Frideric Handel, văn sĩ Ernest Hemingway, họa sĩ Van Gogh, thi sĩ Lord Byron và còn nhiều người nổi tiếng và rất nhiều người trên thế giới đã từng chống chọi, trải qua các giai đoạn của trầm cảm. Do vậy, nếu bạn đang nghi ngờ hoặc dấu hiệu tâm lý nói trên, hoặc bất kỳ băn khoăn nào về rối loạn trầm cảm hoặc phương pháp điều trị tâm lý phù hợp, hãy liên hệ ngay tới hotline của Tâm lý CHY trong hôm nay để được tư vấn chi tiết.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Depressive disorder (depression). (n.d.). Retrieved March 31, 2023, from https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/depression

DSM-V: Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders 5e PDF. (n.d.). Thư Viện EBook Y Học. Retrieved March 1, 2025, from https://ebookyhoc.com/sach/dsm-v-diagnostic-and-statistical-manual-of-mental-disorders-5e/

Friedrich, M. J. (2017). Depression Is the Leading Cause of Disability Around the World. JAMA, 317(15), 1517. https://doi.org/10.1001/jama.2017.3826

Otte, C. (2011). Cognitive behavioral therapy in anxiety disorders: Current state of the evidence. Dialogues in Clinical Neuroscience, 13(4), 413–421. https://doi.org/10.31887/DCNS.2011.13.4/cotte

Phạm Toàn. (2020). Tâm bệnh học (tái bản lần 2). Xuất bản trẻ.

MIỄN TRỪ TRÁCH NHIỆM

Đội ngũ chuyên môn của Tâm lý CHY (trực thuộc CHY GROUP) đã rất nỗ lực để đảm bảo rằng các nội dung chia sẻ là chính xác và tuân thủ các tiêu chuẩn được chấp nhận tại thời điểm công bố. Tuy nhiên, sự thay đổi thông tin do các nghiên cứu vẫn đang được tiếp diễn, sự khác biệt hợp lý về ý kiến giữa các phương pháp tiếp cận, các khía cạnh độc đáo của các tình huống lâm sàng đơn lẻ đòi hỏi người đọc cần có phán đoán cá nhân và cân nhắc tham khảo ý kiến của những người có chuyên môn trước khi quyết định áp dụng cho bản thân. CHY GROUP không khuyến nghị độc giả thực hành theo cũng như không chịu bất kỳ trách nhiệm nào trong trường hợp Quý độc giả thực hành nhưng chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.

LIÊN HỆ

0868.030.232

cskh@tamlychy.vn

 

DMCA.com Protection Status